Trách nhiệm của bên gây ra tai nạn giao thông và kỹ năng của luật sư khi tham gia vụ án.

Vụ án: VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TẠI HẢI DƯƠNG

Trách nhiệm của bên gây ra tai nạn và kỹ năng của luật sư khi tham gia vụ án.

    Tháng 12/2015, Văn phòng Luật sư Thái Minh nhận được đơn mời Luật sư của Công ty cổ phần HN (tên Công ty đã được viết tắt), nội dung đơn, yêu cầu cử Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty và bào chữa cho bị cáo (lái xe của công ty). Ở giai đoạn xét xử phúc thẩm tại Tòa án quân sự QK 3. Trong vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” do lái xe của Công ty CP HN gây ra. Trước đó, Bản án sơ thẩm đã tuyên Công ty CP HN phải bồi thường các khoản lên đến hơn 2 tỷ đồng, Lái xe gây tai nạn nhận mức án 9 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường đường bộ”.

Vụ tai nạn giao thông
Hiện trường Vụ tai nạn giao thông

    Tóm tắt nội dung vụ án: Lái xe container của Công ty cp HN, trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên qL 5 , khi qua địa phận Hải Dương đã gây ra vụ tai nạn thương tâm làm 2 người chết, 5 người bị thương, 03 xe oto và 2 xe máy bị hư hỏng nặng. Cơ quan điều tra kết luận, trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông, do lái xe “không chú ý quan sát” nên đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc này .

    Sau khi tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích cho Công ty CP HN và bào chữa cho bị cáo (lái xe gây tai nạn), Luật sư của Văn phòng Luật sư Thái Minh đã khẩn trương thực hiện các công việc như sau:

 Giai đoạn 1: Luật sư đã nhanh chóng tổng hợp tình hình và hướng dẫn khách hàng thực hiện quyền kháng cáo bản án Sơ thẩm.

Giai đoạn 2: Luật sư làm thủ tục tham gia giải quyết vụ án  với  cơ quan tiến hành tố tụng và sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án.

Giai đoạn 3: Nghiên cứu hồ sơ vụ án  và thu thập thêm các tài liệu chứng cứ cần thiết.

   Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án , Luật sư phát hiện quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm: Có dấu hiệu vi phạm tố tụng; Có việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ chưa khách quan, chưa công bằng; Và việc áp dụng pháp luật có dấu hiệu chưa chính xác, chưa đầy đủ. Bởi vậy, Bản án sơ thẩm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng, Luật sư của Văn phòng Luật sư Thái Minh đã phải trực tiếp đi xác minh lại các thông tin, thu thập thêm các chứng cứ quan trọng để phục vụ cho việc phản biện lại các nội dung kết luận của Bản án sơ thẩm.

Giai đoạn 4: Tiếp xúc, trao đổi và gửi kiến nghị tới Viện kiểm sát, Tòa án

   Từ kết quả của việc nghiên cứu hồ sơ và hoạt động kiểm tra xác minh, Luật sư của Văn phòng Luật sư Thái Minh đã có những buổi trao đổi trực tiếp và gửi văn bản kiến nghị tới Viện kiểm sát Quân khu 3, Tòa án Quân khu 3 yêu cầu triệu tập một số cá nhân để làm sáng tỏ một số  nội dung của vụ án trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

Giai đoạn 5: Tham gia tranh tụng tại phiên tòa 

Luật sư của VPLS Thái Minh tham gia phiên tòa phúc thẩm ngày 30/3/2016 tại Tòa án quân sự Quân khu  3
Hình ảnh, Luật sư của VPLS Thái Minh tham gia phiên tòa phúc thẩm ngày 30/3/2016 tại Tòa án quân sư Quân khu 3

   Bằng bản lĩnh, kiến thức và kinh nghiệm của mình. khi tham gia tranh luận ngay tại phiên tòa, Luật sư của Văn phòng Luật sư Thái Minh đã đưa ra những chứng cứ xác đáng và trình bày những lập luận sắc bén để bác bỏ những kết luận phi lý của Bản án sơ thẩm đã tuyên. Kết quả, đa số nội dung tranh tụng của luật sư đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận. Do vậy, Bản án phúc thẩm đã tuyên giảm số tiền bồi thường cho khách hàng của luật sư xuống hơn 700 triệu đồng, bị cáo cũng được giảm 18 tháng tù và quan trọng hơn cả là lẽ phải đã được bảo vệ qua đó tạo được niêm tin cho khách hàng.

Dưới đây là: Kiến nghị của Luật sư gửi Tòa án và Luận cứ bào chữa, bảo vệ của Luật sư tại tòa

1/ Kiến nghị của Luật sư gửi Tòa án:

Yêu cầu triệu tập người tham gia phiên tòa nhằm làm sáng tỏ một số nội dung trong vụ án

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

                                                                                    Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2016

                                                                 

                                                                    KIẾN NGHỊ CỦA LUẬT SƯ

(V/v: Triệu tập người tham gia phiên tòa phúc thẩm)

       Kính gửi: TÒA ÁN QUÂN SỰ QUÂN KHU 3.

 – Căn cứ Khoản 3 Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

– Căn cứ Giấy chứng nhận số 10/2016/HSPT-GCN của Tòa án QS Quân khu 3.

    Để làm rõ những tình tiết khách quan trong quá trình giải quyết vụ án; Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Hoa Nam tại phiên tòa phúc thẩm. Văn phòng luật sư Thái Minh kính đề nghị Tòa án quân sự Quân khu 3 triệu tập những người sau đây tham dự phiên tòa:

    1- Ông Vũ Viết Chinh, Phó giám đốc Sở Tài chính- Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Thái Nguyên. Để làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm về tính khách quan, tính hợp pháp của bản Kết luận số 327/STC-QLG ngày 02/02/2015 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Thái Nguyên; Về việc, định giá và xác định mức độ thiệt hại đối với chiếc xe ô tô biển kiểm soát TK 7435.

   2- Ông Đặng Hữu Long; Cấp bậc thượng tá; Đơn vị Z131/Tổng cục CNQP. Để làm rõ nội dung thỏa thuận bồi thường ghi trong Biên bản hòa giải ngày 04/11/2015 giữa Công ty Cổ phần Hoa Nam với ông Đặng Hữu Long.

  3- Ông Nghiêm Huy Lương; Chức vụ lái xe; Đơn vị Z131/Tổng cục CNQP. Để làm rõ nội dung thỏa thuận bồi thường ghi trong Biên bản hòa giải ngày 04/11/2015 giữa Công ty Cổ phần Hoa Nam với ông Nghiêm Huy Lương.

Chúng tôi kính mong Quý Tòa chấp nhận nội dung kiến nghị nêu trên.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!

                                                                          Trưởng VPLS Thái Minh

Nơi nhận:

– Như trên

– Lưu VP                                                     ,       Luật sư BÙI THẾ VINH

 

 

2/ Luận cứ của Luật sư

 

QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ

Bào chữa cho bị cáo Huy và bảo vệ Cty Hoa Nam

Tại phiên tòa phúc thẩm QK 3

 

Kính thưa, Hội đồng xét xử

– Kính thưa, Vị đại diện VKS

– Thưa toàn thể quý vị có mặt tại phiên tòa hôm nay.

    Tôi là Bùi Thế Vinh, Luật sư, thuộc Đoàn luật sư tp Hà Nội. Tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay, để bào chữa cho các bị cáo Trịnh Ngọc Huy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Công ty Hoa Nam.

   Qua nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xem xét những tài liệu chứng cứ mới được bổ sung và theo dõi kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay; Tôi xin trình bày quan điểm của mình để Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc trước khi nghị án.

 

Kính thưa quý vị:

    Vụ tại nạn xẩy ra cách đây hơn một năm đã gây ra những tổn thất vô cùng to lớn cho các nạn nhân và gia đình của họ, đấy là điều không ai mong nuốn. Trước hết, với tư cách cá nhân, tôi xin được gửi lời cảm thông, chia sẻ đến các nạn nhân và người nhà các nạn nhân trong vụ án này.

   Khép lại một câu chuyện bi thương, để hướng đến những gì tốt đẹp hơn là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Tuy nhiên để đạt được điều đó cũng cần có một quá trình giải quyết minh bạch, thấu đáo và đúng pháp luật.

  Vụ án này có kháng cáo về phần bồi thường vì Công ty Hoa Nam cho rằng phán quyết của Bản án sơ thẩm là chưa khách quan, chưa công bằng; Có kháng cáo về hình phạt vì Bị cáo cho rằng mức án dành cho bị cáo là quá nặng.

  Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, chúng tôi mong muốn vụ án được xem xét, giải quyết một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên.

  Với tư cách là luật sư bào chữa cho các bị cáo Trịnh Ngọc Huy và cũng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Hoa Nam; Tôi xin được trình bày quan điểm của mình như sau:

 

Phần I. Quan điểm để bào chữa cho bị cáo Trịnh Ngọc Huy.

1. Trước hết, tôi đồng ý về nhận định của bản án sơ thẩm là: Bị cáo đã có lỗi và là người trực tiếp gây ra vụ tại nạn đặc biệt nghiêm trọng này, hành vi của bị cáo đã gây ra tổn thất rất lớn cho các nạn nhân, gia đình các nạn nhân và cho cả Công ty Hoa Nam;  Bị cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Tuy nhiên, Bị cáo vẫn cần được xem xét, được đối xử một cách công bằng trước pháp luật. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu nhận lời bào chữa cho bị cáo Huy trong vụ án này, tôi luôn đặt ra câu hỏi và đi tìm câu trả lời: Tại sao, chiếc xe đầu kéo do bị cáo Huy điều khiển lại lao sang phần đường của làn xe ngược chiều?  Rõ ràng, còn có một nguyên nhân nữa đã tác động trực tiếp đến hành vi của lái xe ngay tại thời điểm trước lúc xẩy ra tai nạn. Tôi đã đọc các bản khai của bị cáo, tôi đã nhiều lần đến hiện trường của vụ án, tôi đã nói chuyện với những người dân trực tiếp chứng kiến vụ việc. Các thông tin mà tôi thu thập được đều nói lên rằng có một chiếc xe ô tô tải loại nhỏ xuất hiện trái luật, xuất hiện bất ngờ; Chính điều đó đã tác động trực tiếp đến phản xạ, đến tâm lý và từ đó làm cho bị cáo Huy không còn đủ bình tĩnh để làm chủ tay lái của mình, để rồi hậu quả là vụ tai nạn đã xẩy ra.

Rất tiếc, quá trình giải quyết vụ án cơ quan điều tra cũng không truy tìm được chiếc xe tải kia và người điều khiển nó. Tại trang 5/ Bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra cũng đã ghi nhận “ …Khi gặp chướng ngại vật, Huy đánh tay lái lao sang phần đường Hải Phòng – Hà Nội …”  Vậy, chướng ngại vật mà cơ quan điều tra muốn nói đến ở đây là cái gì? Nó tác động như thế nào đến hành vi của bị cáo? Rất tiếc, những điều này Bản kết luận điều tra chưa có câu trả lời!!! Từ những tình tiết ấy tôi đề nghị Hội đồng xét xử và các quý vị có mặt tại phiên tòa hôm nay nên có một chút cảm thông với bị cáo.

2. Tiếp đến, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của Bản án sơ thẩm là: Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tai Điểm p/ K1/ Điều 46 / BLHS và một số tình tiết giảm nhẹ khác theo quy đinh tai K2/Điều 46/ BLHS.

-Tuy vậy, chúng tôi cũng đã thu thập đủ những bằng chứng để chứng minh rằng, ngay sau khi xẩy ra tai nạn Bị cáo đã tham gia cấp cứu người bị nạn, khắc phục hậu quả và tự nguyện bồi thường thiệt hại. Bởi vậy, tôi đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và cho Bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tai Điểm b/ K1/ Điều 46 / BLHS.

 – Tôi cũng đã nộp cho tòa án bằng chứng để chứng minh việc Bị cáo đã tự mình tìm đến cơ quan công an huyện Cẩm Giàng để đầu thú; Bởi vậy, Bị cáo cần được xem xét và được ghi nhận về hành vi này để được được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ theo K2 Điều 46/ BLHS.

– Bị cáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn về kinh tế và cả việc nuôi dạy con cái: Hiện tại gia đình Bị cáo thuộc diện hộ nghèo ở nông thôn, Bị cáo có 02 con còn rất nhỏ, vợ của Bị cáo mới sinh con cho nên chưa đi làm được, từ khi vụ tai nạn xẩy ra đến nay bản thân bị cáo cũng không có khoản thu nhập nào gửi về nuôi con, hiện tại khoản công nợ với Công ty Hoa Nam số tiền 87 triệu đồng từ tháng 11/2014 vẫn còn nguyên, cộng với những chi phí phải trả sau khi vụ tai nạn xẩy ra là rất lớn. Với hoàn cảnh thực tế của gia đình Bị cáo, rất cần có sự cảm thông chia sẻ.

Từ những phân tích nêu trên tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét áp dụng Điều 47 BLHS để “quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt” và giảm nhẹ hình phạt bổ sung, để Bị cáo sớm được trở về với gia đình và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình.

 

Phần II. Quan điểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hoa Nam.

Kính thưa quý vị: 

Chúng tôi hiểu rằng trong vụ án này, các nạn nhân và gia đình các nạn nhân là người thiệt hại lớn nhất, những thiệt hại mà không thể nào bù đắp được. Tuy nhiên, xét ở góc độ khác thì Công ty Hoa Nam cũng là người bị thiệt hại rất lớn. Tôi đồng ý nội dung nhận định của Bản án sơ thẩm rằng: “ Công ty Hoa Nam phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án”. Tuy nhiên việc xác định nội dung bồi thường, mức bồi thường phải thỏa mãn các quy định của pháp luật.

 Tôi không đồng ý với cách xem xét đánh giá và quyết định việc bồi thường như Bản án sơ thẩm đã tuyên. Bởi các lẽ sau:

 

* Vấn đề thứ nhất: Theo NQ số 03/2006 ngày 08/7/2006 của HĐTP Tòa án NDTC

– Tại mục 5/ phần I quy định về : Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự:

Điểm a ghi rõ: “Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý ”.

– Như vậy, theo quy định của pháp luật, để có cơ sở cho tòa án xem xét việc bồi thường thì người bị thiệt hại phải đưa ra yêu cầu bồi thường và phải chứng minh yêu cầu bồi thường của mình là đúng pháp luật. Nội dung của yêu cầu bồi thường mà phía người bị thiệt hại đưa ra trong vụ án này phải thỏa mãn các quy định tại điểm a/ mục 5/ phần I/ NQ số 03/2006.

* Vấn đề thứ hai:  Trong quá trình giải quyết vụ án;

 – Với chức năng kiểm sát điều tra VKSQS khu vực 33, tại văn bản số 03/YC-KSĐT ngày 11/3/2015 đã xác định rõ việc cần thiết phải định giá và xác định giá trị thiệt hại đối với các xe ô tô trong vụ tai nạn .

– Cơ quan điều tra cũng đã ban hành Quyết định trưng cầu định giá tài sản đối với các xe ô tô TK -7435 và 34M-0837;   Nội dung yêu cầu định giá đã ghi rõ:  Xác định giá trị và mức độ thiệt hại của từng chiếc xe ô tô đã nêu trên.

– Như vậy, các cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát đã xác định: Kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong TTHS theo NĐ 26/2005 của Chính phủ là cơ sở để phán quyết về mức bồi thường thiệt hại đối với  các xe ô tô TK -7435 và 34M-0837.

– Tôi cho rằng việc xác định đường llois giải quyết vụ án như vậy là hoàn toàn chính xác và phải coi đấy là những tiêu chí để xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết về mức bồi thường dân sự trong vụ án này. 

* Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án chúng tôi thấy các khoản mục đã thể hiện mà Hội đồng xét xử sơ thẩm lấy làm cơ sở để xác định mức bồi thường thiệt hại trong vụ án này không thỏa mãn các quy định của những văn bản pháp luật như đã nêu trên, cụ thể như sau:

 

1. Khoản tiền 266.892.600 đồng mà Công ty Hoa Nam phải bồi thường thiệt hại đối với xe ô tô TK -7435.

Hội đồng xét xử sơ thẩm đã căn cứ Kết luận số 327 ngày 02/02/2015 của HĐ định giá tài sản trong TTHS tỉnh Thái Nguyên để xác định mức bồi thường.

Tuy nhiên, quy trình thực hiện để hình thành ra Kết luận số 327 ngày 02/02/2015 của HĐ định giá tài sản trong TTHS tỉnh Thái Nguyên đã không tuân thủ K1 và K4/ Điều 16 / NĐ 26/2005 quy định về Phiên họp định giá tài sản; Không tuân thủ K1,K2/ Điều 17 / NĐ 26/2005 quy định về Biên bản định giá tài sản; Không tuân thủ Khoản 3/ Điều 18 / NĐ 26/2005 quy định về việc gửi Biên bản định giá tài sản cho cơ quan tố tụng.

Một kết luận không tuân thủ các quy định của pháp luật như vậy, thì không thể coi là chứng cứ, để làm cơ sở xác định mức bồi thường thiệt hại trong vụ án. Việc bản án sơ thẩm đã sử dụng chứng cứ không đảm bảo các quy định của pháp luật là không thể chấp nhận được.

2. Khoản tiền 440.800.607 đồng mà Công ty Hoa Nam phải bồi thường thiệt  đối với xe ô tô 34M-0837.

-Tại K4/ Điều 63 Bộ luật TTHS đã xác định một trong những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự đó là “Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” .

– Tại, Công văn yêu cầu điều tra số 03 ngày11/3/2015 của VKSQS khu vực 33 đã xác định: “Phải thực hiện định giá tài sản theo NĐ 26/2005 đối với xe ô tô 34M-0837 để làm cơ sở giải quyết vụ án”.

– Tại Quyết định trưng cầu định giá tài sản số 06 ngày 22/6/2015 của cơ quan Điều tra đã  yêu cầu việc định giá và xác định mức độ thiệt hại đối với xe ô tô 34M-0837.

– Tại Biên bản họp Hội đồng định giá tài sản trong TTHS huyện Cẩm giàng ngày 25/6/2015 đã xác định: “ Chưa đủ căn cứ để định giá và xác định thiệt hại đối với xe ô tô 34M-0837 sau khi xẩy ra tai nạn”

*  Việc, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là chi phí thanh toán sửa chữa xe ô tô trị giá 440.800.607 đồng do bên bị thiệt hại cung cấp để xác định mức yêu cầu bồi thường là không khách quan, là không tuân thủ trình tự, thủ tục về việc chứng minh thiệt hại theo quy định tại: K4 Điều 63 BLTTHS, Nghị định 26/2005 của Chính phủ và Công văn yêu cầu điều tra số 03 ngày11/3/2015 của VKSQS khu vực 33. Việc xác định mức bồi thường mà không khách quan, không tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật là không thể chấp nhận được.

 

3. Khoản tiền 39.736. 828 đồng mà Công ty Hoa Nam phải bồi thường chi trả cho Viên quân y 108 và khoản tiền 13. 326.933 đồng chi trả cho Z131 về việc bồi thường chi phí điều trị cho ông Đặng Hữu Long và ông Nghiêm Huy Lương.

-Tại, Tiểu mục 2.1, Phần I, NQ 03/2006 có quy định: “ Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương pháp bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

– Tại, mục 1, Phần II, NQ 03/2006 đã quy định: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dường phục hồi sức khỏe, tiền thuê phương tiện đi cấp cứu…, tiền thuốc và các thiết bị y tế…, tiền viện phí…, các chi phí khác…” được quy định từ tiểu mục1.1 đến tiểu mục1.5.

– Ngày 04/11/2015 Công ty Hoa nam đã lập Biên bản hòa giải với ông Đặng Hữu Long và ông Nghiêm Huy Lương trong đó có việc thỏa thuận bồi thường tổn hại sức khỏe với mức tiền 30 triệu đồng một người.

-Tại, trang 12, Bản án sơ thẩm có ghi: “ Hội đồng xét xử xét thấy sự thỏa thuận bồi thường thiệt hại nêu trên là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội, vì vậy ghi nhận sự thỏa thuận bồi thường thiệt hại đó”.

Như vậy, Công ty Hoa Nam đã thực hiên nghĩa vụ bồi thường tổn hại sức khỏe cho ông Đặng Hữu Long và ông Nghiêm Huy Lương theo đúng quy định của pháp luật. Nội dung thỏa thuận bồi thường này phải được hiểu đã bao gồm tất cả những chi phí theo quy định tại Mục 1, Phần II, NQ 03/2006. Hơn nữa, chính Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng đã ghi nhận điều này.

 Việc bản án sơ thẩm buộc Công ty Hoa Nam phải bồi thường thêm khoản tiền 39.736. 828 đồng cho Viên quân y 108 và khoản tiền 13. 326.933 đồng cho Z131là không có cơ sở và trái pháp luật.

4. Khoản tiền chi phí điều trị 27.995.194 đồng mà Công ty Hoa Nam phải bồi thường cho nạn nhân Nguyễn Thị Minh Hằng.

– Tại, đoạn 3/ trang 4/ Bản án sơ thẩm đã xác định “ Công ty cổ phần Hoa Nam phải bồi thường cho người bị hại Nguyễn Thị Minh Hằng các khoản chi phí điều trị có hóa đơn hợp pháp là 27.995.194 đồng”.

– Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, số chứng từ mua thuốc, hồ sơ bệnh án điều trị tại các cơ sở y tế để tổng hợp thành số tiền 27.995.194 đồng có 03 tên bệnh nhân khác nhau và chưa có văn bản nào xác định 03 tên bệnh nhân trong hồ sơ là của cùng 01 người. 

– Việc, Hội đồng xét xử sơ thẩm đưa ra nhận định và kết luận về tính hợp pháp của các hóa đơn như đã nêu trên là không khách quan, không chính xác.

Bởi vậy, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch  các chứng từ chi phí điều trị của người bị hại Nguyễn Thị Minh Hằng thì cần phải được rà soát và xem xét lại các chứng từ hóa đơn trong mục này.

5. Nghĩa vụ cấp dưỡng mà Công ty Hoa Nam phải thực hiện với ông Vũ Văn Thêu.

– Tại, đoạn 7/ trang 10/ Bản án sơ thẩm đã nhận định “ Anh Vũ Văn Thêu không có vợ con…không có khả năng lao động…” Nhận định như vậy là không đúng sự thật.

– Bởi lẽ, thực tế ngày 07/10/2008  ông Vũ Văn Thêu đã đăng ký kết hôn với bà Lê Thị Nga, và từ đấy đến nay gia đình họ đã có 02 con và đang làm ăn, sinh sống bình thường tại số nhà 64 phố Trần Nhật Duật, TP Hà Nội.

– Việc, ông Vũ Văn Thêu đã đăng ký kết hôn và đang có một gia đình yên ổn, hạnh phúc; Điều đó tự nó đã chứng minh rằng: Ông Vũ Văn Thêu là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có tài sản và có khả năng lao động.

– Việc, Hội đồng xét xử sơ thẩm đưa ra phán quyết Công ty Hoa Nam phải chi trả việc cấp dưỡng cho ông Vũ Văn Thêu là không đúng pháp luật, không khách quan, không công bằng.

6. Mức cấp dưỡng mà Công ty Hoa Nam phải chi trả cho mẹ và hai con của nạn nhân Vũ Văn Thắng.

– Tại, Điểm a, Tiểu mục 2.3, Phần II, NQ 03/2006 có quy định: “ …Khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với …nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường. Như vậy, nhu cầu thiết yếu là tiêu chí để xác định mức cấp dưỡng.

– Tại, Công văn số 320 ngày 30/7/2015 của Cục Thống kê TP Hà Nội (Bút lục số 266, HS vụ án); Chỉ xác định được mức thu nhập bình quân khu vực thành thị là 4.951.100 đồng/ người/ tháng ;  Không  xác định mức sống tối thiểu.

– Tại, đoạn 6/ trang 10 và đoạn 2/ trang 11/  Bản án sơ thẩm có ghi: “ Để đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu cho bà Trần Thị Luân, cháu Vũ Thủy Trúc, cháu Vũ Tiến Thịnh thì cần mức chi bằng mức thu nhập bình quân tại địa phương…”  Việc, Hội đồng xét xử sơ thẩm đưa ra nhận định : nhu cầu thiết yếu bằng mức thu nhập bình quân để từ đó đưa ra mức cấp dưỡng mà Công ty Hoa Nam phải chi trả là không khách quan. Việc đánh đồng hai khái niệm nêu trên thể hiện sự không minh bạch, không rõ ràng.

7. Khoản tổng chi phí mà Công ty Hoa Nam phải chi trả cho việc mai táng nạn nhân Vũ Văn Thắng và  nạn nhân Trần Thị Hoàn.

– Tại, mục 4, Phần I, NQ 03/2006 có quy định chi phí hợp lý là :“…chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí”

–  Tại, Tiểu mục 2.2, Phần II, NQ 03/2006 có quy định “ Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: “ …. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.

Từ những quy định nêu trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của của các bên cũng như quyền của Công ty Hoa Nam là được thực hiện nghĩa vụ bồi thường đúng pháp luật. Chúng tôi nhận thấy trong hồ sơ vụ án còn những bất hợp lý cần phải rà soát lại cụ thể như sau:

a/ Đối với nội dung chi phí cho việc mai táng nạn nhân Vũ Văn Thắng mà Bản án sơ thẩm đã tuyên với khoản tiền là 133.835.000 đồng. Chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại các nội dung:

Rà soát và loại bỏ các chi phí không được chấp nhận theo quy định tại tiểu mục 2.2, Phần II, NQ 03/2006”  gồm: Khoản tiền xây kim tĩnh 10.000.000 đồng; Một phần khoản tiền mua đất, xây mộ và trông coi chăm sóc phần mộ 50.000.000 đồng vì theo Hợp đồng dịch vụ ký giữa bà Tạ Thanh Thủy với Công ty Thiên Đức; Tại  Điều 1 có ghi “ Bằng hợp đồng này Bên B đồng ý cung cấp cho Bên A dịch vụ Cát táng, Mai táng, Xây cất mộ và trông coi chăm sóc phần mộ…”

– Khoản chi được liệt kê theo chứng từ của cửa hàng Phúc Hằng lập ngày 09/12/2014 với tổng giá trị 41.882.000 đồng. “ Việc xem xét nội dung này phải làm rõ việc giá cả trong chi phí  đã đảm bảo tính phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương hay chưa? Việc phát hành chứng từ này của cơ sở kinh doanh đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật về hình thức và thủ tục của hóa đơn, chứng từ  hay chưa?”

b/ Đối với nội dung chi phí cho việc mai táng nạn nhân Trần Thị Hoàn mà Bản án sơ thẩm đã tuyên với khoản tiền là 91.811.000 đồng. Chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử  phúc thẩm xem xét và làm rõ:

– Khoản tiền là 91.811.000 đồng được tổng hợp từ những chứng từ nào? Bởi, trong hồ sơ chỉ thể hiện có 02 chứng từ với tổng số tiền là 74.180.000 đồng.

– Khoản chi 65.130.000 đồng với chứng từ không rõ tên cơ sở kinh doanh lập ngày 15/12/2014  “ Việc xem xét nội dung chứng từ này cần làm rõ tại sao thời điểm kê khai chứng từ mâu thuẫn với thời điểm thực hiện việc mai táng; Rà soát các mục chi trong chứng từ này để loại bỏ những nội dung  thuộc diện không được chấp nhận theo quy định tại tiểu mục 2.2, Phần II, NQ 03/2006” .

* Kính thưa Hội đồng xét xử .

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng để việc bồi thường và nhận bồi thường đúng quy định của pháp luật; Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên thì cần phải xem xét lại các nội dung yêu cầu bồi thường .

Bởi vậy, tôi kính đề nghị HĐXX tuyên hủy phần yêu cầu bồi thường của Bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm sáng tỏ các nội dung mà chúng tôi đã đề cập.

         Trên đây là quan điểm về việc giải quyết vụ án mà tôi đã trình bày, xin trân trọng cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe!

 

                                                     Hải Phòng, ngày 30 tháng 03 năm 2016

 

 

 

 

                                                                 Luật sư BÙI THẾ VINH

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *