NHỮNG LƯU Ý KHI KÝ KẾT, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

  Trong cuộc sống không ít thì nhiều mỗi chúng ta cũng sẽ có lần thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực như dân sự, kinh doanh thực mại, luatthaiminh.vnlao động…Và hầu hết hiện nay, các giao dịch thường được giao kết dưới hình thức hợp đồng. Qua hợp đồng chúng ta cụ thể hóa được nội dung các bên hướng đến; Hạn chế được nhiều rủi ro; Tiên liệu nhiều tình huống có thể xảy ra và có những phương án giải quyết cụ thể kịp thời, hơn hết là tránh tranh chấp hoặc khi có tranh chấp thì hợp đồng chính là căn cứ để đánh giá vi phạm, trách nhiệm của các bên và cách xử lý. Tuy nhiên, để đạt được mục đích giao kết và hiệu quả như mong muốn thì khi ký hợp đồng hoặc khi thực hiện hợp đồng các bên phải thật am hiểu pháp luật, có kỹ năng và có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao kết. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu kỹ hơn về vấn đề này.

Hợp đồng là gì ?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong những quan hệ xã hội cụ thể.

Hợp đồng được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Khi thực hiện hợp đồng nếu bên nào vi phạm hợp đồng hay không thực hiện đúng theo cam kết đã thỏa thuận thì bên vi phạm sẽ bị xử lý theo chế tài hai bên đã thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

Một số hợp đồng thường gặp trong thực tế

Hợp đồng mua bán tài sản: là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán

Hợp đồng về quyền sử dụng đất:  Hợp đồng chuyển đổi; chuyển nhượng; cho thuê; cho thuê lại; tặng cho; thế chấp; góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định.

Hợp đồng hợp tác: là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Hợp đồng dịch vụ: là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

….

Một số lưu ý để phòng tránh rủi ro khi ký kết hợp đồngtải xuống

   Tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định của pháp luật về hợp đồng và các quy định có liên quan đến giao dịch trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng.

   Việc tìm hiểu các quy định pháp luật về hợp đồng và quy định liên quan đến giao dịch sẽ đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng, nội dung thỏa thuận luôn đúng pháp luật, đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng và hạn chế được những rủi ro do hợp đồng trái pháp luật gây ra.

   Mặt khác, việc tìm hiểu kỹ pháp luật giúp ta tự tin trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng. Hạn chế mức thấp nhất việc bị đối tác lợi dụng các sơ hở trong hợp đồng để vi phạm hợp đồng, hoặc đưa ra những điều khoản bất lợi cho mình khi thực hiện hợp đồng.

Tìm hiểu đối tác là ai ?

   Tìm hiểu về đối tác không chỉ thực hiện khi lần đầu giao kết hợp đồng mà phải thường xuyên cập nhật thông tin cho các lần giao kết tiếp theo. Bởi lẽ, khi tìm hiểu đối tác chúng ta sẽ biết được các thông tin như: khả năng, điều kiện, những thay đổi có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng. Để từ đó chúng ta chủ động trong mọi hoạt động cũng như hạn chế được thấp nhất những rủi ro mà không lường trước được.

Tuân thủ đúng các quy định về hình thức, chủ thể tham gia ký kết hợp đồng

   Về hình thức của hợp đồng: Tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật về hình thực hợp đồng. Những loại hợp đồng pháp luật quy định phải lập thành văn bản thì phải tuân thủ. Nếu có quy định phải đăng ký (như đối với các giao dịch bảo đảm) hoặc công chứng, chứng thực thì không được bỏ qua. Việc bỏ qua không lập hợp đồng bằng văn bản hay không đăng ký, không công chứng hoặc chứng thực sẽ làm hợp đồng bị vô hiệu và không có hiệu lực pháp lý. Đối với những loại hợp đồng pháp luật không bắt buộc phải thực hiện bằng văn bản thì nên cố gắng viết thành văn bản để bảo đảm chứng minh đã có giao kết khi một trong các bên từ chối, bác bỏ nội dung mà các bên đã thỏa thuận trước đó.

   Về chủ thể ký kết hợp đồng: Chủ thể tham gia ký kết phải đủ tư cách pháp lý

Đối với cá nhân: Đủ độ tuổi theo luật định; Có năng lực hành vi; Nếu là đại diện theo pháp luật thì cần xem xét pháp luật quy định người đại diện được đại diện trong những trường hợp nào; Nếu là đại diện theo ủy quyền thì phải có giấy ủy quyền.

Đối với pháp nhân: Cần xem xét chủ thể ký kết có phải là người đứng đầu hay đại diện hợp pháp của pháp nhân hay không hoặc nếu là người ủy quyền thì cần xem xét kỹ nội dung trong giấy ủy quyền (như: phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, giấy ủy quyền có được đóng dấu hợp lệ không …)

Hợp đồng được ký kết đúng chủ thể thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý và có hiệu lực.

Nội dung, ngôn ngữ và ngôn từ sử dụng trong hợp đồng

   Nội dung hợp đồng: Nội dung mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, vì nếu vi phạm thì nội dung đó bị vô hiệu. Như vậy, nếu hợp đồng bị vô hiệu thì hậu quả rất nặng nề như: Tài sản giao dịch có thể bị tịch thu, không thu hồi được vốn, không được pháp luật bảo hộ…Khi soạn thảo hợp đồng thì nội dung phải rõ ràng, mạch lạc, quy định càng chi tiết càng tốt, nên có những điều khoản như: về trường hợp bất khả kháng; phương án giải quyết tranh chấp,…

   Ngôn ngữ, ngôn từ sử dụng trong hợp đồng: Ngôn ngữ trong hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Trong một hợp đồng nếu sử dụng từ hai ngôn ngữ trở lên thì cần quy định thứ tự ưu tiên sử dụng nếu có tranh chấp xảy ra. Về ngôn từ trong hợp đồng phải mạch lạc, rõ ràng, tránh từ ngữ nhiều nghĩa dễ gây ra nhiều cách hiểu hoặc sử dụng từ ngữ sai chính tả …

   Nếu như nội dung hợp đồng không rõ ràng, không cụ thể, không chi tiết, văn phong nhiều lỗi thì rất dễ dẫn đến tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Áp dụng các biện pháp đảm bảo để thực hiện hợp đồng

   Có thể sử dụng một số biện pháp đảm bảo trong thực hiện hợp đồng,tuy nhiên không phải giao dịch nào cũng sử dụng. Tùy từng loại hợp đồng, từng đối tượng và mục đích các bên hướng đến là gì mà áp dụng biện pháp đảm bảo sao cho hiệu quả, tinh tế.

   Một số biện pháp đảm bảo thường được sử dụng trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ, ký cược và tín chấp. 

   Lưu ý: Để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng có biện pháp đảm bảo thì cần cân nhắc và xem xét kỹ về tính pháp lý của tài sản đảm bảo (như: tài sản đảm bảo là tài sản gì ? của ai ? có đang được sử dụng để đảm bảo cho giao dịch nào khác không…); Trình tự, thủ tục áp dụng tài sản đảm bảo (như: phải công chứng, chứng thực hay phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền…).

Nhờ luật sư hoặc người có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực giao kết, tư vấn, soạn thảo hợp đồng

   Ở hầu hết các nước phát triển, trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng, không chỉ những giao dịch có giá trị lớn, phức tạp mới cần đến Luật sư để tư vấn, soạn thảo hợp đồng mà cả những giao dịch có giá trị nhỏ hay những giao dịch phổ thông cũng cần cách nhìn nhận và đánh giá từ những người có chuyên môn. Bởi lẽ, các giao dịch luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro dù bất kỳ đó là giao dịch nào. Bằng kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực giao kết hợp đồng, Luật sư có thể đánh giá, tiên lượng được những rủi ro có thể xảy ra và đưa ra những giải pháp tốt nhất cho khách hàng khi soạn thảo hợp đồng.

Những lưu ý khi thực hiện hợp đồng

Sau khi hợp đồng được ký kết, các bên sẽ căn cứ vào nội dung của hợp đồng để thực hiện. Cụ thể cần lưu ý các điểm sau:

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

   Thời điểm hợp đồng có hiệu lực tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên, có thể có hiệu lực ngay sau khi ký kết, hoặc bắt đầu từ ngày bao nhiêu do hai bên ấn định, hay phải đáp ứng điều kiện nào đó thì hợp đồng mới bắt đầu có hiệu lực.

   Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ của các bên bắt đầu phát sinh. Các bên sẽ tuân thủ các quy định được ký kết trong hợp đồng.

Thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng

   Về nguyên tắc, các bên sẽ sử dụng hợp đồng để làm căn cứ thực hiện quyền và nghĩa vụ. Do vậy, cần thực hiện đúng, đủ các nội dung đã thỏa thuận. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có những phát sinh thì các bên có thể thỏa thuận với nhau để sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một hoặc toàn bộ hợp đồng. Tất nhiên thỏa thuận đó phải được các bên đồng ý, trừ trường hợp trong hợp đồng đã ký trước đó có thỏa thuận khác.

Tránh rủi ro đối với những tình huống chưa được tiên lượng trong hợp đồng

   Có thể khi ký kết hợp đồng ta chưa tìm hiểu hoặc không tìm hiểu về lĩnh vực mà ta đã ký kết, dẫn đến trong khi thực hiện mới thấy được những điểm bất lợi thì:

–   Trao đổi lại với đối tác để điều chỉnh lại nội dung hợp đồng

–    Liệt kê các rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng để có những giải pháp khắc phục, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Trên đây là một số lưu ý chúng tôi nêu ra để Quý khách hàng cân nhắc khi ký kết và thực hiện hợp đồng.

Dịch vụ pháp lý của Văn phòng luật sư Thái Minh trong lĩnh vực hợp đồng 

1/ Tư vấn pháp luật trong lĩnh vực khách hàng thực hiện giao dịch

2/ Tư vấn, soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu

3/ Tư vấn, tham gia giải quyết tranh chấp với vai trò là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong các giao dịch.

4/ Các yêu cầu pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng theo quy định pháp luật.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THÁI MINH

Địa chỉ: Số 20, phố Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 0981 263 166 / 0916 543 689

Email: Luatthaiminh@gmail.com

https://www.facebook.com/luatthaiminh.vn/ 

 

 Ngày 16.12.2017

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *